Quy tắc 3 giây chính là khoảng thời gian cần thiết để người lái dừng xe sau khi phanh nhằm tránh va chạm trên đường. Người lái cần giữ khoảng cách với xe phía trước và áp dụng quy tắc 3 giây cùng lúc để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người.
Quy tắc 3 giây là gì?
Quy tắc 3 giây trong lái xe được hiểu là khoảng thời gian đủ để người lái có thể phản ứng và xử lý kịp thời các tình huống nguy hiểm như phanh gấp, xe nổ lốp, xe hư hỏng hoặc né chướng ngại vật,… Mặc dù không có điều luật cụ thể nào quy định quy tắc này nhưng theo nghiên cứu của các chuyên gia về an toàn đường bộ, người lái cần giữ khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước miễn là có thể xoay xở để tránh va chạm trong vòng 3 giây. Như vậy, tùy theo tốc độ di chuyển hiện tại của xe mà người lái phải biết giữ khoảng cách bao nhiêu mét so với xe trước.
Các tình huống giao thông bất ngờ trên đường là khó lường, đặc biệt là lượng phương tiện di chuyển đông đúc trong giờ cao điểm. Người lái cần tập trung quan sát và tuân thủ luật giao thông để tránh gây tai nạn. Từ đó, quy tắc 3 giây được áp dụng như một lưu ý về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển xe.
Khoảng cách an toàn theo quy tắc 3 giây trên đường cao tốc
Đường cao tốc cho phép phương tiện cơ giới di chuyển ở tốc độ cao, có dải phân cách và hai làn riêng biệt. Nhằm đảm bảo an toàn, Khoản 4 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các đối tượng không được đi vào đường cao tốc bao gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h.
Vì tốc độ tối đa cho phép cao hơn so với đường lộ khác nên các xe di chuyển trên cao tốc cần thận cộng hơn cả để tránh xảy ra tình trạng “dồn toa” gây tai nạn, ùn tắc và ảnh hưởng giao thông. Quy tắc 3 giây là quy tắc hữu dụng được áp dụng đối với các xe chạy trên đường cao tốc. Ngoài ra, quy tắc 3 giây sẽ được áp dụng hiệu quả khi khả năng xử lý tình huống của người lái càng nhanh. Đối với đường bộ thông thường các phương tiện không nhất thiết cứng nhắc tuân theo quy tắc này nhưng buộc phải giữ khoảng cách an toàn và tuân thủ luật giao thông.
Khoảng cách an toàn được thực hiện nghiêm ngặt hơn trên đường cao tốc. Theo đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt 3-5 triệu đồng đối với xe vi phạm khoảng cách an toàn trên đường cao tốc, đồng thời người lái sẽ mất quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 1-3 tháng. Phạt 10-12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3-5 tháng hoặc vĩnh viễn sẽ được áp dụng khi người lái gây tai nạn do không giữ khoảng cách an toàn.
Cách xác định quy định tắc 3 giây
Khi di chuyển trên đường, người lái khó có thể xác định chính xác khoảng cách phải giữ với xe phía trước. Thay vào đó, nên tìm một vật cố định trên đường (cột mốc, bảng hiệu, cây cối) và quan sát thời điểm xe phía trước vượt qua vật đó. Lúc này, người lái đếm 1 … 2 … 3 giây chậm rãi vừa đúng lúc vượt qua vật làm mốc thì vẫn giữ đúng khoảng cách an toàn với xe phía trước. Nếu chưa đếm đến 3 nhưng xe đã chạm vị trí vật làm mốc thì xe cần giảm tốc.
Quy tắc 3 giây được áp dụng trong điều kiện thời tiết tốt, tầm nhìn thoáng. Ngược lại, nếu trời mưa, bão, đường nhiều sương mù khiến tầm nhìn bị hạn chế thì thời gian có thể tăng lên 4, 5 và 6 giây. Trên cao tốc, người lái cũng có thể dựa vào vạch kẻ nét đứt ngang đường và các biển 0M, 50M, 100M để xác định cột mốc.
Quy định về khoảng cách an toàn giữa 2 xe
Các quy tắc thời gian được áp dụng khác nhau tùy theo mật độ phương tiện và tính chất giao thông ở mỗi nơi. Người lái có thể tham khảo bảng quy đổi tốc độ và khoảng cách an toàn sau đây:
Tốc độ (km/h) | Khoảng cách an toàn (m) | |
Thời tiết tốt (3 giây) | Thời tiết xấu (6 giây) | |
40 | 33,8 | 67,6 |
60 | 50 | 100 |
80 | 66,7 | 133,4 |
90 | 75 | 150 |
100 | 83,4 | 166,8 |
110 | 91,7 | 183,5 |
120 | 100,1 | 200,2 |
Tóm lại, nắm vững quy tắc 3 giây và luật giao thông đường bộ giúp giảm thiểu va chạm do quá tốc độ hoặc các tình huống tai nạn nghiêm trọng khác.